Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Phân tích kỹ thuật giá vàng, chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần



Diễn biến ngày cuối tuần của TTCK mặc dù giảm điểm nhưng cũng có những điểm sáng khi sức cầu cũng phục hồi vào cuối phiên trên sàn HNX.
TTCK Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giảm điểm trên cả hai sàn giao dịch phiên giao dịch cuối tuần. Khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng trên cả hai sàn giao dịch.
Khối ngoại mua ròng trên cả hai sàn giao dịch. Lượng mua ròng tập trung vào các mã như VCB, SBT, PGD, BVH, SSI, PVS, VCG, VNF, PVI, PGS…và lượng bán ròng tập trung vào các mã như HAG, HT1, CII, HVG, ITA, SME, VE9, PMC, HAT, VKC…
Giá vàng trong nước giao dịch quanh mốc 37,5-37,6 triệu đồng/1 lượng.
Tỷ giá USD liên ngân hàng giảm tiếp 10 đồng, xuống còn 20.708 đồng, thấp nhất kể từ hôm 6/4 tới nay. Như vậy, sau khi lập đỉnh 20.733 đồng hôm 19/4, giá USD liên ngân hàng đã điều chỉnh giảm 4 phiên liên tiếp, hạ 25 đồng/USD. Tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng giảm xuống còn 20.915 đồng. Tuy nhiên, mức niêm yết thực tế tại nhiều ngân hàng thấp hơn nhiều so với giá trần này. Cụ thể, tại Sacombank, giá mua vào USD là 20.710 - 20.720 đồng, bán ra là 20.780. Tại Eximbank, USD mua vào ở mức 20.700 - 20.720 đồng, mức bán ra cũng là 20.780 đồng. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống 17-18,5%, cho thấy thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng đang được cải thiện. Như vậy, sau một thời gian thực hiện một số giải pháp nhằm ổn định thị trường ngoại hối, chúng ta đã thu được kết quả bước đầu khi nguồn cung USD đã tăng lên và tỷ giá đã bắt đầu giảm. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng điều chỉnh giảm theo xu thế chung trong thời gian vừa qua và có thể thấy rằng phần lớn người dân mua USD theo cơn sốt phá giá hầu hết đều ghi nhận mức lỗ trong thời gian qua. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì thì đó thực sự là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Điều quan trọng là NHNN phải cải thiện dự trữ ngoại hối và tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt như đang làm nhằm nâng giá tiền đồng trong ngắn hạn nhằm lấy lại niềm tin cho người dân. Lúc đó tình trạng đô la hóa sẽ giảm bớt và NHNN sẽ có nhiều công cụ để thực thi quyền lực của mình trong điều hành chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
CPI của cả nước trong tháng 4 được thông báo là 3,32%. Diễn biến trong thời gian vừa qua có vẻ khá giống với kịch bản năm 2008 khi mà chúng ta dường như mất kiểm soát khả năng tăng giá. Điểm đặc biệt là năm nay, nhiều mặt hàng xăng, dầu, điện, than được thả theo cơ chế giá thị trường. Trước mặt, áp lực tăng giá xăng vẫn còn trong khi đó chính phủ cho rằng chưa có cơ sở tăng giá điện trong tháng 6/2011.
Trên thị trường sơ cấp, Bô tài chính nâng trần lãi suất trần mức 12.3% cho kỳ hạn 3 năm và 12.1% cho kỳ hạn 5 năm, và lợi suất trúng thầu ở mức 12,3% cho kỳ hạn 3 năm. Đường cầu trái phiếu chính phủ liên tục dịch chuyển lên phía trên khiến giá trái phiếu liên tục giảm cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao.
Về phía doanh nghiệp, EIB thông báo lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 1.000 tỷ đồng (hoàn thành 1/3 so với kế hoạch cả năm 2011). Kế hoạch kinh doanh của các NHTM trong năm 2011 hầu hết vẫn ở mức rất cao trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN. Có nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về kế hoạch này khi mà NIM đang có dấu hiệu thu hẹp trở lại. Chúng tôi chỉ xin lưu ý một chi tiết rằng, để đạt được kế hoạch, các NHTM không chỉ có thu nhập từ lãi mà một nguồn khác cũng khá quan trọng và hay được các NHTM dùng tới khi để đạt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chính là việc bán các tài sản cố định. Ngoài ra, một số các NHTM lớn có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ và họ đã kiếm lời trên thị trường liên ngân hàng khi mà lãi suất liên ngân hàng có tín hiệu tăng nóng.
Trái với các NHTM thì các doanh nghiệp hầu hết đều điều chỉnh giảm kế doanh kinh doanh. KBC tiến hành họp đại hội cổ đông trong khi doanh nghiệp muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu thì nhà đầu tư lại muốn trả bằng tiền mặt. Những công ty có truyền thống in cổ phiếu thì nhà đầu tư lại mong muốn trả bằng tiền mặt và ngược lại những công ty muốn trả tiền mặt thì nhà đầu tư lại muốn để lại để tái đầu tư. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đã quan tâm tới quyền lợi của mình hơn và sự chia sẻ chỉ tới khi doanh nghiệp quan tâm tới quyền lợi của nhà đầu tư. Tiếp nối HAG, KDC sẽ phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu GDR niêm yết tại Thị trường chứng khoán Luân Đôn trong năm nay, thông qua việc phát hành 20 triệu CP cho đối tác nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn hình thức huy động vốn ở nước ngoài nhằm giảm bớt áp lực cho cổ động hiện hữu trong bối cảnh nhà đầu tư đã liên tục thua lỗ trong thời gian vừa qua do giá cổ phiếu đã xuống rất mức thấp. Thống kê cho thấy có 16 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong báo cáo tài chính tóm tắt quý 1. Nhìn qua có vẻ bức tranh lợi nhuận trong quý 1 của các doanh nghiệp khá nghèo nàn nhưng do chưa có bức tranh toàn cảnh nên việc đánh giá sẽ không chính xác nhất là trong bối cảnh nhóm thua lỗ lại chủ yếu là các công ty chứng khoán.
Diễn biến ngày cuối tuần của TTCK mặc dù giảm điểm nhưng cũng có những điểm sáng khi sức cầu cũng phục hồi vào cuối phiên trên sàn HNX. Không có phiên “Wash out” khi mà lực cầu giá sàn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn luôn thường trực rất lớn trong khi cung vẫn chưa áp đảo hoàn toàn mặc dù cung giá thấp vẫn thường trực. Nhóm cổ phiếu đầu cơ KLS, BVS, PVC, VND, VCG…sức cầu tăng trở lại vào cuối phiên giao dịch sau khi chứng kiến lệnh cầu bất ngờ đổ vào rất mạnh đối với một số cổ phiếu trên sàn HOSE như REE, SSI…kéo nhóm này dần quay trở về mức giá tham chiếu mặc dù đã có lúc nằm sát giá sàn.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh giảm sau khi chạm ngưỡng kháng cự. Chỉ số này vẫn tiếp tục đi ngang quanh khu vực hỗ trợ và kháng cự trong thời gian vừa qua với sự hỗ trợ của khối ngoại đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số này chỉ thực sự quay trở lại xu hướng tăng giá nếu giá vượt lên trên mốc 465 điểm với sự có mặt tăng điểm của các cổ phiếu khác ngoài BVH, MSN, VIC, VPL, VNM…Chỉ số HNX-Index xuất hiện một Doji trên đồ thị phân tích tại ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số này sau chuỗi giảm giá rất dài thời gian vừa qua. Khối lượng tăng lên khá mạnh và sự phục hồi của nhóm cổ phiếu đầu cơ là tín hiệu khá tích cực. Một phân kỳ dương giữa giá RSI(14) cùng với các chỉ báo hầu hết ở vùng quá bán là một tín hiệu cảnh báo sự đảo chiều xu hướng. Ngoài ra, sự phân kỳ cực đại của khối lượng trên sàn HNX-Index là tín hiệu cảnh báo sự tăng điểm của sàn này trong ngắn hạn.
Trên phương diện phân tích biến động giá và khối lượng, có khá nhiều cổ phiếu xuất hiện tín hiệu Stopping Volume – Một tín hiệu báo hiệu kết thúc sự giảm giá.
Như đã chia sẻ, trước mắt là kỳ nghỉ lễ nên nhiều nhà đầu tư vẫn có xu hướng bán ra. Điều này sẽ gây áp lực tới lực cung và có thể khiến thị trường lại đi ngang nếu cầu không cải thiện sau một vài phiên tăng giá do hoạt động mua trả hàng của nhóm nhà đầu tư đánh xuống.
Đồ thị chỉ số VN-Index


Đồ thị chỉ số HNX-Index


Đường cầu trái phiếu


Peformance Chart


Giá vàng
Giá vàng đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh ở mốc 1.508$. Đây là vùng đỉnh của kênh tăng giá thiết lập từ tháng 1/2011, cũng là vùng đỉnh của Rising Wedge thiết lập từ giữa tháng 3/2011 và cũng là mức kháng cự Fibonacci 200% lấy hai ngày 7/3/2011 – 15/2011. Một “Break out” sẽ đẩy giá vàng lên mốc cao hơn là 1533,44$ và trong khi đó hỗ trợ cho quá trình giảm giá là mốc 1.484,46$. Khối lượng giao dịch ở mức thấp và giá đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần do nhiều nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ lễ phục sinh. Xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, với việc đối mặt với 3 ngưỡng kháng cự quan trọng cùng một lúc, có lẽ giá vàng sẽ giảm vào phiên giao dịch đầu tuần.
Đồ thị chỉ số giá vàng


TTCK Mỹ
TTCK Mỹ đã có một tuần giao dịch thành công sau khi mà chỉ số Dow Jones đã vượt mốc 12.500 điểm còn chỉ số S$P 500 và Nasdaq đêu quay trở lại kiểm tra mốc đỉnh cũ của mình trong năm 2011.Mộ tụ tăng giá mạnh mẽ từ ngưỡng hỗ trợ dài hạn trên đồ thị tuần. Lợi nhuận của các cổ phiếu ngành công nghệ tăng mạnh mẽ là nguyên nhân khiến thị trường phục hồi sau khi có những phiên mất điểm.
Trong báo cáo tuần trước, chúng tôi vẫn tỏ ra thận trọng với diễn biến của TTCK Mỹ mặc dù cho rằng khả năng tăng điểm khi chạm vào ngưỡng hỗ trợ dài hạn là cao bởi phía trước là ngưỡng kháng cự tại đỉnh cũ. Đây là lần thứ 3 chỉ số chứng khoán Mỹ quay trở lại kiểm tra mốc đỉnh cũ của mình và chỉ số công nghiệp Dow Jones đã chinh phục thành công ngưỡng kháng cự này.
Đây là một tín hiệu khá tích cực. Nếu cả hai chỉ số số Nasdaq và S&P 500 đều tiếp tục chinh phục ngưỡng kháng cự thì các nhà đầu tư nên mua vào. Rõ ràng chuỗi tăng điểm từ cuối tháng 8 của thị trường trong thời gian qua là rất dài và vượt kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trong đó có những cổ phiếu tăng giá rất mạnh.
Có những lúc thị trường dường như bắt đầu một sự điều chỉnh nhưng sau đó thị trường thường phục hồi rất mạnh mẽ từ những ngưỡng hỗ trợ quan trọng và thường tăng mạnh hơn dự kiến dù tại điểm đó các nhà đầu tư thường cho rằng đó chỉ là một “bẫy tăng giá” nên rất hạn chế mua vào khiến khối lượng giao dịch rất thấp. Nhưng sau đó khi chỉ số vượt qua các mốc kháng cự quan trọng thì sức cầu quay trở lại và giá thường được đẩy lên các mức cao hơn. Liệu giá cổ phiếu còn có thể tăng tiếp. Câu trả lời là có thể nếu bạn dựa vào những dữ liệu lịch sử sau:
(i) Suất sinh lời trong ngắn hạn: Trong lịch sử có 9 lần thị trường tăng giá tương tự như hiện tại. Mỗi lần tăng giá ké dài hơn 120 ngày với suất sinh lợi trung bình từ 25-35% và không có một lần rơi 5%. Đợt tăng dài nhất lần cuối kéo dài 146 ngày. Và mặc dù các đợt tăng cuối cùng chỉ số có thể không tăng mấy thì giá cổ phiếu vẫn có thể tăng thêm khoảng 32% nữa;
(ii) Suất sinh lời trong trung hạn: Căn cứ diễn biến của TTCK Mỹ trong 6 tháng quá có thể thấy có 5 lần tăng giá trong lịch sử có diễn biến tương tự. Trong 5 lần tăng giá trước, thị trường vẫn còn tiếp tục tăng thêm 1 năm nữa. Ít nhất thị trường có thể tăng thêm 37% nữa;
(iii) Suất sinh lợi trong dài hạn: Mặc dù hiện tại thị trường đã tăng gấp đôi và đợt tăng giá đã kéo dài hơn 700 ngày kể từ mốc đáy ngày 9/3/2009 nhưng trong lịch sử vẫn có tới 11 lần thị trường tăng giá với số ngày kéo dài hơn số ngày tăng giá hiện tại. Trên thực tế có tới 9/11 lần đó thị trường tăng giá kéo dài hơn 1300 ngày;
(iv) Định giá vẫn thấp: Mặc dù giá cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh trong thời gian vừa qua thì chỉ số P/E của S&P 500 vẫn ở mức khá thấp là 15.7 Mức trung bình dài hạn là 15.4 kể từ năm 1930. Hiện tại chỉ số P/B ở mức 2,2 lần so với mức trung bình dài hạn là 2,44 lần;
(v) Chu kỳ tổng thống: Chỉ số S & P 500 đã chưa giảm lần nào trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ tổng thống. Mức tăng trung bình của nó vào khoảng 17%. Chúng ta đang may mắn được sống trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Obama;
(vi) Dòng tiền “thông minh” và dòng tiền “thiếu khôn ngoan”: Có thể coi dòng tiền của tổ chức là dòng tiền thông minh đặc biệt là ở nước Mỹ. Theo khảo sát củaBank of America/Merrill Lynch Global Fund Manager thì hiện tại nhà đầu tư tổ chức mới chỉ phân bổ 37% tài sản vào cổ phiếu, so với mức trung bình lịch sử trên 50%. Có lẽ vì lý do này, mỗi lần thịt trường giảm điểm thì tới các mức hỗ trợ dài hạn, giá cổ phiếu thường được mua vào rất mạnh giúp cho thị trường phục hồi.
Như vậy, có thể thấy rằng dựa vào lịch sử, giá cổ phiếu có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngắn hạn, thị trường vẫn đối mặt với ngưỡng kháng cự cũ của mình. Vùng kháng cự không phải là điểm lý tưởng để mua nhưng nếu thị trường chinh phục thành công ngưỡng kháng cự này, bạn nên quay trở lại với vị thế mua cổ phiếu.
Biểu đồ cổ phiếu chỉ số S&P 500


Biểu đồ chỉ số Nasdaq 100


Biểu đồ chỉ số công nghiệp Dow Jones


Lưu ý của CafeF: Các phân tích trên chỉ mang tính tham khảo.Không phải các khuyến nghị mua/bán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét