Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Các nước ngoài khu vực đồng euro duy trì ảnh hưởng lên Liên minh châu Âu như thế nào



Các thành viên Liên minh châu Âu ngoài khu vực đồng euro lo sợ rằng mình sẽ bị loại bỏ khỏi những quyết định lớn đang diễn ra tại Brussels.
 

Các thành viên Liên minh châu Âu ngoài khu vực đồng euro (không gia nhập đồng tiền chung do lựa chọn của họ hoặc do họ chưa sẵn sàng) lo sợ rằng mình sẽ bị loại bỏ khỏi những quyết định lớn đang diễn ra tại Brussels. Hi vọng của các nước sáng lập đồng euro lại là: Liên minh sẽ hội nhập hơn về chính trị và kinh tế. Sự căng thẳng cơ bản giữa việc hội đàm rộng rãi và hội nhập chặt chẽ giờ đây đang nổi cộm trong những tranh cãi: liệu rằng các nhà lãnh đạo chính phủ khu vực đồng euro có nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường xuyên.
Ba Lan, một trong những nước dẫn đầu khu vực ngoài đồng euro, khá lo lắng khi một nguồn tin bí mật tiết lộ thư từ nội bộ của Đức về “hiệp ước khả năng cạnh tranh” do Thủ tường Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarzoky đề xuất. Điều này đã xác minh mối nguy về một châu Âu phân hóa tốc độ tăng tưởng, trong đó các nước ngoài khu vực euro và Ủy ban châu Âu sẽ bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, Ba Lan lại coi Đức là người bạn tốt nhất của mình trong EU.
Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk, đã tỏ rõ thái độ lo lắng. Ồng Piotr Kaczynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS) tại Brussels nói: “Tại Hội đồng châu Âu, ông Tusk không bao giờ tức giận; ông là một điều đình viên đáng tin cẩn, bởi vậy mà một khi ông đã phải lên tiếng, Brussels sẽ ngừng họp.” Bản thỏa hiệp “hiệp ước cho đồng euro” đã tạo ra những sự nhượng bộ, trong đó có cả vai trò của hội đồng.
Ba Lan sẽ tiếp tục phản đối kế hoạch để 17 nước đưa ra quyết sách thay vì 27, và chỉ đồng ý cho nhóm 17 nước đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đồng euro. Song họ lại thích cơ cấu cải cách của hiệp ước khả năng cạnh tranh, chẳng hạn như cải cách chỉ số hóa tiền lương. Ngài Jacek Rostowski, bộ trưởng bộ tài chính, nói rằng “Thật tốt nếu tất cả các nước châu Âu đều muốn thực hiện cải cách, chứ không phải chỉ những nền kinh tế mới nổi.” Có một số hoài nghi về khả năng tất cả 17 nước trong khu vực đồng euro cùng đồng tình với chính sách mới.
Về cơ bản, Ba Lan đang có kế hoạch gia nhập khu vực đồng euro. Nỗi sợ hãi bị cô lập càng sâu sắc hơn tại Đan Mạch và Thụy Điển, những nước muốn có nhiều tiếng nói hơn nhưng không chắc sẽ gia nhập đồng tiền chung trong chốc lát. Việc chấp nhận đồng euro của các nước thành viên mới như Slovenia, Slovaka và bây giờ là Estonia chính là lời nhắc nhở rằng họ đang mất dần sức ảnh hưởng. “Điều đó thực sự cho thấy những nước này không thể can dự vào các cuộc họp chính sách quan trọng”, trích lời một nhà ngoại giao Estonia.
Trên thực tế, các liên minh trung hữu của Thụy Điển và Đan Mạch, không giống như bản sao của họ tại Anh, khá hài lòng chấp thuận đồng euro. Nhưng họ lại không thuyết phục được cử tri của mình. Đan Mạch đã hai lần bỏ phiếu chống đối gia nhập đồng euro, một lần trong cuộc trưng cầu dân ý cho hiệp ước Maastricht năm 1992 và một lần khác khi họ được yêu cầu cân nhắc lại vấn đề này năm 2000. Tương tự, Thụy Điển cũng từ chối đồng euro trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2003. Giờ đây, đứng trước nguy cơ về một EU phân hóa tốc độc tăng trưởng, mà Thụy Điển và Đan Mạch thuộc nhóm tụt lại phía sau, mọi người bắt đầu suy đoán rằng sẽ có những cuộc trưng cầu dân ý mới ở cả hai nước.
Thủ tướng Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen, hồi đầu tháng này đã gợi ý về khả năng Đan Mạch cần phải hoàn thành các cam kết của mình trước khi lên nắm quyền chủ tịch luân phiên vào tháng 1 tới. Nhưng thời điểm này thật không thể tệ hơn. Một cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 2 cho thấy các cử tri có thể đồng ý từ bỏ quan điểm đứng ngoài cuộc (về vấn đề liên minh an ninh và pháp luật cũng như đồng euro) chỉ khi cả 3 vấn đề đó đều được giải quyết trong một cuộc trưng cầu dân ý duy nhất.
Đó là điểm sáng tích cực hiếm hoi trong xu hướng phản đối đồng euro. Một cuộc thăm dò hồi tháng 12 thực hiện bởi ngân hàng Danske của Đan Mạch đã cho kết quả: đến 43.5% ý kiến hoàn toàn không đồng thuận và chỉ 25.5% hoàn toàn đồng thuận – sự chênh lệch lên đến 18%. Ông Steen Bocian, trưởng chuyên gia kinh tế của ngân hàng này cho biết “Tôi không tin rằng thủ tướng sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, rủi ro kết quả bất đồng là rất cao,”. Một trở ngại nữa là Đan Mạch sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11 – và ông Lokke Rasmussen lại đang được ủng hộ theo các kết quả thăm dò.
Khó khăn trong việc cho ra đời một đồng tiền chung duy nhất cũng củng cố thêm quan điểm chống lại đồng euro tại Thụy Điển. Đan Mạch sợ rằng nếu không giữ đồng curon, rồi họ sẽ trượt vào vết xe đổ của Ai len. Còn Thụy Điển thì tự hào rằng họ đang tăng trưởng rất mạnh ở khu vực ngoài đồng euro. Không những không thuộc về hàng ngũ phát triển chậm, vào quý 4 năm 2010 nước này còn là nước tăng trưởng nhanh nhất trong EU. Vào lúc này, Thụy Điển và Đan Mạch sẽ vẫn đứng ngoài khu vực đồng tiền chung. Chính phủ hai nước sẽ ủng hộ Ba Lan trong việc phản đối nâng cao vai trò cho nhóm đồng euro.
Viễn cảnh về hội nghị thượng đỉnh thường xuyên của khu vực đồng euro cũng bất lợi đối với Đức. Chính phủ kinh tế là ý kiến của Pháp, cùng với mối nguy kinh tế chỉ huy và đe dọa lên sự độc lập của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Bà Merkel đã luôn đối địch với việc phân hóa nội bộ EU. Năm 2008, bà đã từ chối lời kêu gọi về một châu Âu phân hóa tăng trưởng khi các cử tri Ai len phản đối hiệp ước Lisbon. Bà từng tuyên bố “Sự thống nhất của châu Âu không phải là thứ mà chúng ta mong muốn chỉ vì lợi ích cá nhân, mà đó thực sự là một điều vĩ đại.” Đi theo hướng chính phủ kinh tế khu vực đồng euro có vẻ là một sự nhượng bộ.
Bà Merkel sẽ phủ nhận điều này. Không có thêm nhóm mới nào được hình thành, và bất cứ sự sắp xếp xáo trộn nào bởi 17 nước cũng sẽ được mở ra cho 10 nước ngoài khu vực đồng euro. Trái với việc mở ra một sự chia rẽ nguy hiểm trong nội bộ EU, Đức nghĩ rằng họ đang đóng lại một mối nguy: giữa các nền kinh tế cạnh tranh và những kẻ tụt hậu đang đe dọa đến sự sống còn của đồng euro. Nếu họ có hướng đi cho riêng mình, hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng euro này có thể là kết quả cuối cùng.
Từ quan điểm của bà Merkel, giải pháp thay thế còn tệ hơn. Đức có thể phải bỏ ra 200 tỷ euro (280 tỷ đôla) để vạch trần và lập kế hoạch giải cứu các thành viên khu vực đồng euro đang chao đảo và vực họ dậy, và con số sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Sự kháng nghị từ các cử tri và thành viên thuộc liên minh của bà Merkel cũng sẽ gia tăng. Đồng euro đã trở thành vấn đề chính trị hàng đầu, theo ông Frank Schaffler, một thành viên Bundestag thuộc liên minh tự do, Đảng Dân chủ Tự do.
Hiệp ước cho đồng euro được cho là sẽ giúp các nước sử dụng đồng euro phá bỏ những thói quen kinh tế xấu khiến họ gặp khó khăn trước đây. Theo quan sát viên Daniela Schwarzer của Viện An ninh và Quốc tế Đức: “Bà Merkel cần điều gì đó để mang tới liên minh ngày càng đa nghi của mình”. Không phải tất cả đều được trấn an. Ông Schaffler thấy hiệp ước giống như một loại “thuốc trấn an cho mọi người”. Theo ý kiến của ông, các nước châu Âu nên cạnh tranh hơn là bị ép buộc cải cách bởi cơ quan trung tâm. Chuyên gia kinh tế tự do Hans-Werner Sinn e ngại rằng Pháp sẽ sử dụng chính phủ khu vực đồng euro để ép buộc Đức tăng tiền lương.
Các đồng minh của bà Merkel đang khá lung túng giữa việc nên ủng hộ tài ngoại giao của bà hay là nên thiết lập giới hạn nhượng bộ cho Đức. Ngày 23 tháng 2, liên minh ba bên đã đặt điều kiện để thông qua thay đổi hiệp ước thiết lập quỹ giải cứu thường trực cho khu vực đồng euro. Một trong số đó là phối hợp kinh tế hơn nữa trong khu vực đồng euro – hay nói cách khác, là một phiên bản của hiệp ước khả năng cạnh tranh và dự định về chính phủ kinh tế còn đang phôi thai. Bà Merkel trong thời gian dài đã phản đối việc phân hóa tăng trưởng châu Âu, nhưng áp lực từ phía các cử tri, từ các đối tác liên minh và từ các nước trong khu vực đồng euro đang buộc bà chấp nhận nó.
Thu Thủy
Theo Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét