Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Đa dạng hóa danh mục đầu tư nào có cứu được Yale và Harvard



Chiến lược được Yale và Harvard áp dụng gần 30 năm qua phá sản trong khủng hoảng tài chính. Riêng Havard mất tới 10 tỷ đôla.
 

Đầu tư hay nghệ thuật thì cũng có cái “mốt” của nó.
Trong 25 năm qua quỹ đóng góp của nhiều trường đại học đã tiếp bước “mô hình Yale”, một chiến lược đầu tư được quỹ thành lập từ tiền các tổ chức và cá nhân hiến tặng ĐH Yale áp dụng trong thập kỷ 80.
Dưới sự lãnh đạo của David Swensen, Yale đã đầu tư vào rất nhiều “tài sản thay thế”, từ góp vốn cổ phần tư nhân và quỹ đầu cơ tới gỗ cây.
Trong dài hạn mô hình này đã hoạt động rất hiệu quả, ít nhất là đối vối Yale.
Các tài sản dưới dạng góp vốn cổ phẩn từ nhân của trường cho lợi suất hàng năm 30,4% kể từ khi ra đời; phần vốn đầu tư vào các quỹ đầu cơ cho lợi suất 11,4% mỗi năm trong 10 năm vừa qua.
Toàn bộ danh mục đầu tư cho lợi suất hàng năm 11,8% trong vòng 10 năm tính tới 2009, dễ dàng vượt qua tốc độ trung bình của các quỹ khác.
Ý tưởng đằng sau chiến lược của Yale là tiền hiến tặng có thể để lâu dài, vì số tiền cần trang trải từ đó (để xây dựng cơ sở vật chất, trả lương cho giáo viên, v.v…) dàn đều và rất xa trong tương lai.
Do đó nó có thể đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản. Những hạng mục tài sản như thế có thể cho lợi suất tốt hơn vì các nhà đầu tư khác (ví dụ như quỹ hỗ tương) không muốn hoặc không thể giải quyết vấn nạn kém thanh khoản.
Bên cạnh đó, thế thống trị truyền thống của cổ phiếu nội địa trong danh mục đầu tư các tổ chức khiến quá nhiều trứng được bỏ chung vào một giỏ.
Có các nguồn lợi nhuận khác như kỹ năng quản lý của các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân hay thị trường trái phiếu bị tịch biên, nơi sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận có thể còn tốt hơn so với chỉ số S&P 500.
Nhưng mô hình này rơi vào vòng nghi vấn trong hai năm 2008 và 2009 khi khủng hoảng tài chính nổ ra.
Tính từ đầu năm tới ngày 30/06/2009, quỹ hiến tặng của Yale giảm 24,6% còn danh mục đầu tư của Havard giảm 27,3%. Havard mất tới 10 tỷ đôla (dù từ ấy đến nay đã có phục hồi đôi chút). Danh mục đầu tư mất thanh khoản nay lại quay giáo chống lại chính họ.
Một câu hỏi lớn hơn là liệu những gì hiệu quả với Yale và Harvard trong một thời gian có thể là một chiến lược thành công với nhiều trường đại học hơn trong một khoảng thời gian dài hơn.
Đặc biệt khi Yale có lợi thế của người đi đầu; do sớm đầu tư vào thị trường vốn cổ phần tư nhân nên trường có thể tiếp cận với những quỹ được quản lý tốt nhất.
Các quỹ hiến tặng sau này bị các quỹ trên từ chối tiếp nhận đầu tư và buộc phải đầu tư cho những nhà quản lý quỹ kém tài năng hơn và thu về lợi nhuận khiêm tốn hơn.
Một vấn đề khác là đa dạng hóa không chỉ đơn giản có nghĩa là sẵn sàng đầu tư vào rất nhiều hạng mục tài sản khác nhau. Nó còn cần giữ vị thế độc lập với đám đông.
Một số hạng mục tài sản (đặc biệt là các hạng mục kém thanh khoản) có thể tuân theo hiệu ứng “thuyền độc mộc”. Trái phiếu bảo đảm bằng một danh mục các khoản vay thế chấp mua nhà (MBS) là một ví dụ điển hình.
Khi ai cũng đổ xô mua nó, giá trái phiếu tăng mạnh và nhà đầu tư thấy mình thật là thiên tài. Sau đó chuyện gì đó xảy ra khiến tâm lý thị trường thay đổi. Ai ai cũng cố tháo chạy khỏi tài sản trên, kết quả là thuyền lật úp.
Lợi nhuận thặng dư thu được khi kinh tế bùng nổ hóa ra đều là hư ảo.
Martin Leibowitz từ Morgan Stanley đã phân tích đặc điểm của danh mục đầu tư các quỹ hiến tặng trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông xem xét ba danh mục đầu tư: một danh mục đầu tư theo tỷ lệ 60 cổ phiếu Mỹ/40 trái phiếu chính phủ; một danh mục đầu tư kiểu Yale với 7 loại tài sản tách biệt nhau; và một danh mục đầu tư đa dạng hóa ở cấp độ quốc tế nhưng không có vốn góp cổ phần tư nhân, các khoản đầu tư vào bất động sản và quỹ đầu cơ vốn kém thanh khoản.
Các danh mục đầu tư này ấn tượng ở chỗ nó tương quan rất chặt chẽ với chỉ số S&P 500. Ngay cả danh mục đầu tư kiểu Yale cũng có hệ số tương quan hơn 0,9 (giá trị 1 tức trùng khớp hoàn toàn với S&P 500).
Một cách đánh giá tương quan với thị trường khác là “beta”. Một tài sản có beta lớn hơn 1 sẽ tăng mạnh hơn khi toàn thị trường đi lên (hay giảm mạnh hơn khi toàn thị trường đi xuống); một tài sản có beta nhỏ hơn 1 ít có biến động thái quá hơn.
Buồn cho danh mục đầu tư kiểu Yale, beta của nó tăng mạnh trong quý III/2008 khi thị trường hỗn loạn vì Lehamn sụp đổ. Beta lại giảm khi thị trường phục hồi năm 2009 và 2010.
Nói tóm lại, lợi ích của đa dạng hóa danh mục đầu tư đã mất đi rất nhiều. Nếu tính theo beta, danh mục đầu tư cho quỹ hiến tặng trên chẳng khác gì một quỹ 60/40 trong thời kỳ bùng nổ kinh tế nhưng sau đó lại biến động mạnh hơn khi khủng hoảng ập tới.
Kết quả trên nên được những người dự định theo đuổi chiến lược của Yale cân nhắc.
Rút cục thì ngày nay các nhà đầu tư tổ chức có thể đầu tư vào các loại tài sản chính với mức phí rất thấp chỉ dưới 1%. Nộp mức phí hàng năm 1-2% tài sản rồi lại nộp thêm 20% lợi nhuận thu về cho một nhà quản lý tài sản thay thế khiến lợi ích trên biến mất.
Nhớ lại hồi 2008, các nhà quản lý tài sản giàu lên, chỉ có giới đầu tư là liên tiếp chịu thiệt hại.
Minh Tuấn
Theo Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét