Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Kinh tế học Keynes đã làm hại Nhật Bản như thế nào?



Có một vấn đề mà đến giờ mới minh bạch, đó là chính sách tài khóa - tiền tệ phi lý của quốc gia này trước trận động đất.
 

Dù thảm họa khủng khiếp này có hay không xảy ra đi nữa thì những sai lầm ấy vẫn cứ tồn tại.
Thật vậy, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong công tác quản trị rủi ro là xác định rõ nên bán gì, mua gì và mua bán bao nhiêu.
Để làm được điều đó, cần có một chiến lược quản lý rủi ro chủ động và chủ thể phải triệt để nhận thức được rằng luôn luôn có rủi ro trong mọi trường hợp.
Rahm Emanuel đã có một câu danh ngôn sau khi Lehman Brothers sụp đổ: “Đừng bao giờ để lãng phí một cuộc khủng hoảng thực sự.”
Tình trạng trồi sụt của chỉ số Nikkei trong những ngày gần đây phần lớn do sự hoang mang xuất phát từ lời cảnh báo một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra cách Tokyo chỉ 137 dặm về phía Bắc.
Mặc dù phần nào đồng thuận với khả năng trên, nhưng chúng tôi không nghĩ động thái này có thể gọi là “cơn hoảng loạn xả bán”, cũng như không cho rằng đây là thời điểm thích hợp để “bắt dao rơi”.
Tất nhiên sẽ có những nhà đầu tư bắt đáy với hy vọng đón đầu sự phục hồi của Nhật, có người hành động theo nguyên tắc định giá, và cũng có người chọn bắt đáy dựa vào kịch bản tăng trưởng kinh tế chung toàn cầu – tuy nhiên các số liệu gần đây cho thấy kịch bản này đang có xu hướng đổ vỡ.
Vì vậy, cần theo dõi thêm diễn biến thị trường trong những ngày tới trước khi quyết định có nên mạo hiểm với cổ phiếu của Nhật hay không.
Chúng tôi cho rằng trận động đất vừa qua là lời thức tỉnh giới đầu tư toàn cầu về tình trạng tài chính của Nhật Bản.
Đó không phải là điều gì mới mẻ, ít nhất đối với các độc giả của Hedgeye (trang web chuyên về quản trị rủi ro – ND) hay một số nhà đầu tư như Kyle Bass, Marc Faber.
Nhưng điều chính yếu là những vấn đề trầm trọng xảy ra ở Nhật cho thế giới thấy rằng họ đang nhanh chóng tiến tới cái mà chúng tôi gọi là “Kết cục Keynes.”
Kết cục Keynes là một viễn cảnh mà tại đó hành động can thiệp mạnh mẽ của chính phủ (giới học thuật gọi nó dưới cái tên “sự kích thích ngược chu kỳ kinh tế của chính phủ”) như chi tiêu mặc cho thâm hụt ngân sách, tăng vay nợ, thi hành chính sách tiền tệ dễ dãi... sẽ gặp thất bại mà không đạt được kết quả mong muốn.
Thay vào đó, nó sẽ làm đình trệ tăng trưởng kinh tế như chúng ta đã chứng kiến ở Nhật Bản trong hai thập kỷ vừa qua.
Dưới đây, chúng tôi liệt kê những động thái thuộc chính sách tài khóa – tiền tệ của Nhật trong bối cảnh phản ứng trước thảm họa thiên nhiên vừa qua, đồng thời cũng là những “đóng góp” thêm vào cuộc khủng hoảng nợ và thâm hụt trầm trọng ở nước này:
Chính sách tài khóa
  • Dù mới thông qua khoản ngân sách kỷ lục 92,4 nghìn tỷ yên dành cho chính phủ, nhưng Nhật Bản hiện chỉ có khoảng 1,3 nghìn tỷ yên trong ngân quỹ để phân bổ cho công tác khôi phục sau thảm họa.
  • Số tiền này chưa bằng một nửa khoản 2,7 nghìn tỷ yên mà chính phủ Nhật tập hợp được ngay sau trận động đất tại Kobe năm 1995. Kể cả nếu điều chỉnh theo chênh lệch tỷ giá JPY/USD tại hai thời điểm thì ngân quỹ chính phủ Nhật có trong tay lần này vẫn ít hơn 42,5% so với 16 năm trước.
  • Kế hoạch ngân sách mới sẽ có hiệu lực trong vòng hai tuần tới, những biện pháp được đưa ra để bổ sung nguồn thu – bao gồm cả đề xuất tăng thuế tiêu dùng – đang là nguyên nhân gây ra căng thẳng trên chính trường Nhật Bản gần đây. Vấn đề này cũng gây chia rẽ trong nội bộ Ngân hàng phát triển Nhật Bản cũng như khơi dậy sự bất đồng giữa chính quyền trung ương và các quan chức địa phương.
  • Tuy nhiên thảm họa động đất vừa qua cùng với tỷ lệ ủng hộ rất thấp dành cho Thủ tướng Kan và đảng cầm quyền (81% cử tri và 75% các nhà lãnh đạo địa phương không tán đồng cách lãnh đạo hiện nay) đảm bảo rằng sẽ không có chuyện tăng thuế đột ngột để bổ sung ngân sách.
  • Giống như Hoa Kỳ, chính phủ Nhật có khả năng sẽ phải đối mặt với nguy cơ giải thể nội các vào tháng 7 tới một khi nguồn thu cạn kiệt; và rất có thể một lượng trái phiếu ngắn hạn trị giá 20 nghìn tỷ yên được phát hành theo phương thức đặc biệt để trang trải các khoản chi của chính phủ.
  • Mặc dù chính phủ Nhật vẫn sẽ tiếp tục hoạt động do sự cấp bách phải ứng phó với thảm họa động đất, nhưng khả năng hoàn trả nợ ngày càng mờ mịt sẽ khiến nguồn cung trái phiếu tăng mạnh trong trung hạn. Điều này dẫn đến tỷ lệ Nợ/GDP của Nhật rất có thể lên tới trên 210% trong năm tài khóa 2011 so với mức 208,2% hiện nay.
Chính sách tiền tệ
  • Trong bối cảnh chính phủ Nhật không đủ khả năng cung cấp ngân quỹ cho nỗ lực giảm nhẹ hậu quả thiên tai, Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) vẫn làm đúng những gì mà họ đã thực hiện nhiều năm qua – một hành động nhận được sự khuyến khích của Paul Krugman và nhiều kinh tế gia theo trường phái Keynes (bao gồm cả Ben Bernanke): in thật nhiều tiền.
  • Chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ, BOJ đã bơm thêm luồng tiền mới lên đến 42 nghìn tỷ yên (khoảng 520 tỷ USD) và thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa cam kết sẽ có thêm “viện trợ” nếu tình trạng tài chính cho phép.
  • Động thái can thiệp mới nhất này của BOJ nhằm mục đích trực tiếp kích thích thị trường cổ phiếu hồi phục nhưng cũng đồng thời biến nợ trái phiếu thành tiền lưu thông với tốc độ 21,6 nghìn tỷ yên (267,2 tỷ USD) mỗi năm.
Rõ ràng Nhật Bản cũng giống như Hoa Kỳ: ngân sách của nước này không đủ để đối phó với những rủi ro bất ngờ - bao gồm cả việc tái thiết sau thiên tai hay chiến tranh.
Phần lớn gánh nặng đó được chuyển sang cho ngân hàng trung ương và buộc họ phải in thêm tiền.
Cần nhấn mạnh rằng đây chính là điểm trọng tâm trong giả thuyết của chúng tôi về tương lai u ám dài hạn của đồng yên – trận động đất và sóng thần vừa qua chỉ góp phần đẩy Nhật Bản tiến gần hơn đến bờ vực mất cân bằng cung/cầu trái phiếu chính phủ.
Hơn nữa, liệu BOJ có thể bơm thêm bao nhiêu tiền vào hệ thống tài chính trước khi nó quá tải. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ 8,9 nghìn tỷ trong số hơn 42 nghìn tỷ yên đã được cung ra là thực sự đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tài chính.
Nhật Bản đã và đang rơi vào cái bẫy thanh khoản kinh điển trong nhiều năm qua, và chúng tôi cho rằng với nỗ lực in tiền gần đây của BOJ thì tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân cũng không thể nào bắt kịp để hấp thụ hết.
Quan điểm của chúng tôi đối nghịch hoàn toàn với kỳ vọng của số đông hiện nay. Bởi qua nhiều năm được chính phủ can thiệp, các nhà đầu tư Nhật đã quen với việc xin trợ giúp bằng những gói kích thích ngay khi cảm thấy dấu hiệu đổ vỡ của thị trường.
Chúng tôi có thể thấy trước một viễn cảnh mà ở đó đồng yên tiếp tục lên giá trong trung hạn mặc cho BOJ không ngừng cứu chữa. Với kịch bản chỉ là yên đi lên/cổ phiếu Nhật xuống, rõ ràng thị trường chứng khoán Nhật khó có thể sáng sủa trong trung hạn.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ tiếp tục đình trệ; những liều kích thích từ chính sách tài khóa và tiền tệ mà nước này có khả năng thực hiện trong trường hợp khủng hoảng tiếp tục xảy ra sẽ khiến cho tình trạng mất cân bằng ngân sách ngày càng trầm trọng hơn.
Hoàng Sơn
Theo Fortune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét