Đầu năm nay, người ta vui mừng tin thế giới sẽ có một năm suôn sẻ khi khủng hoảng tại châu Âu dịu bớt, đầu tầu kinh tế thế giới tăng trưởng tốt. 2 tháng sau, tình thế đảo ngược.
Bất ổn tại Trung Đông và thảm họa tại Nhật khiến người ta lại lo lắng về kinh tế. Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới không nên khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.
Ở thời điểm đầu năm nay, người ta đã nghĩ rằng kinh tế thế giới sẽ suôn sẻ. Tháng 1/2011, khủng hoảng tài chính dịu bớt và khủng hoảng nợ châu Âu bớt căng thẳng. Kinh tế Mỹ đang trỗi dậy.
Nhà đầu tư mua gom cổ phiếu và bán đi số trái phiếu mà họ đã mua trong thời kỳ khó khăn trước đó. Ở thời điểm đó, nếu có gì đáng để lo lắng, đó chính là việc nhóm nền kinh tế mới nổi tăng trưởng quá nhanh và khiến giá hàng hóa tăng cao.
Cuối cùng, dù quý 1 mới chỉ chuẩn bị kết thúc, mọi chuyện đã không suôn sẻ như vậy. Thế giới đương đầu với cuộc khủng hoảng mới.
Thứ nhất, khủng hoảng chính trị tại các nước Arập khiến thị trường dầu chịu chấn động. Động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân tại Nhật khiến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khốn khổ.
Với khủng hoảng kép như vậy, tăng trưởng sẽ thụt lùi đến đâu? Và các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên ứng phó thế nào?
Tỷ lệ đóng góp của kinh tế Nhật vào kinh tế toàn cầu đã giảm liên tục trong suốt nhiều thập kỷ qua thế nhưng con số 9% đủ lớn để khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tụt lùi. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều hiệu ứng dây chuyền khác lên thế giới. Kinh tế Nhật có quy mô lớn, và trong một số trường hợp mang tầm quan trọng lớn bởi Nhật cung cấp nhiều loại linh kiện quan trọng không thể thay thế cho ngành điện tử và ô tô trên toàn thế giới.
Nhà máy tại Nhật cung cấp linh kiện sản xuất điện thoại iPhone, phụ tùng xe Volkswagen. Nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng đã phải ngừng hoặc tạm dừng sản xuất bởi đường sá hỏng, mất điện và thiếu hụt nguồn cung.
Tác động từ việc này đã không chỉ dừng lại ở Nhật, khá nhiều nhà máy tại nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha phải đóng cửa. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy sau thảm họa như vậy, cuối cùng sản xuất cũng sẽ hồi phục và quá trình tái thiết mang đến “cú huých” tăng trưởng quan trọng.
Ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị tại Arập trở nên tệ hại hơn bởi thực tế từ trước đó giá dầu đã tăng bởi triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn. Tuy nhiên, lo lắng cầu vượt quá cung đóng góp 25% khiến giá dầu tăng.
Theo tính toán, cứ mỗi khi giá dầu tăng 10%, tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất đi 0,2%. Đầu năm 2011, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 4 đến 4,5%. Tính toán ban đầu cho thấy hai cuộc khủng hoảng sẽ lấy đi khoảng từ 0,25% đến 0,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Con số trên chưa nói lên đủ về tác động từ hai cuộc khủng hoảng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về bản chất, các cuộc khủng hoảng tạo ra các đám mây mù. Doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và tuyển dụng cho đến khi mây tan hết. Nhà đầu tư tìm đến sự an toàn của trái phiếu và mất đi sự quan tâm đến cổ phiếu.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế không thể đứng ra làm trung gian hòa giải giữa lãnh đạo Arập và người dân nước này cũng như bình ổn tình hình hạt nhân tại các nhà máy của Nhật, thế nhưng họ có thể giảm thiểu tác động. Ngân hàng Trung ương Nhật chịu gánh nặng lớn nhất. Ngân hàng Trung ương Nhật trong 15 năm qua chỉ đưa ra nỗ lực hạn chế dể kiềm chế giảm phát.
Tuy nhiên, phản ứng sau trận sóng thần vừa qua không giống như vậy. Ngân hàng Trung ương Nhật ráo riết bơm tiền ồ ạt vào hệ thống ngân hàng trong nỗ lực ngăn sự hoảng sợ. Ngân hàng Trung ương Nhật còn đẩy mạnh mua nợ chính phủ, doanh nghiệp và cổ phiếu. Các chương trình nới lỏng định lượng giúp lợi suất trái phiếu không tăng ở thời điểm chính phủ cần vay nợ nhiều để tái thiết đất nước và ngăn giảm phát.
Thế giới cần làm gì? Để thể hiện sự đồng cảm với Nhật, G7 đã đồng loạt bán ra đồng yên sau động đất bởi đồng tiền này tăng giá mạnh trước đó. Tuy nhiên, cần hạn chế các động thái trên.
Nhật hiện quá phụ thuộc vào xuất khẩu và nước này cần ưu tiên kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa và chấm dứt giảm phát chứ không phải làm yếu đồng yên. Chính phủ các nước khác cần chắc chắn rằng họ sẽ không lấy cớ lo ngại về phóng xạ trong sản phẩm của Nhật để tiến hành bảo hộ.
Các Ngân hàng Trung ương khác đương đầu với nhiệm vụ khó khăn hơn. Giá dầu tăng cao và sản xuất Nhật đi xuống tác động xấu đến tăng trưởng, trong khi đó lạm phát vẫn tăng cao. Lạm phát của Anh hiện đã vượt 4,4%.
Thế nhưng kinh tế nhóm nước giàu vẫn tăng trưởng yếu và tại một số nước, việc thắt chặt chính sách quá sớm sẽ cản đà phục hồi của nhóm nền kinh tế này. Ngân hàng Trung ương Anh và FED nên hạn chế thắt thặt chính sách quá sớm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản vào tháng sau. Quyết định đó thật sai lầm. Hiện nay, lạm phát kỳ vọng và tăng trưởng lương vẫn trong tầm kiểm soát. Khi nâng lãi suất cơ bản, ECB sẽ khiến đồng euro mạnh hơn và cản trở nỗ lực kích thích kinh tế tăng trưởng của nhóm nước như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế có nhiều lựa chọn để ứng phó với cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ chiến tranh hay thiên nhiên. Trong trường hợp này, họ không nên khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.
Ngọc Diệp
Theo Economist
Theo Economist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét